TỎI (Căn hành)

Cập nhật: 20/02/16 21:28

Tỏi là lá dự trữ được phơi khô của cây Tỏi (Allium sativum L.), họ Hành (Alliaceae).

TTƯT BSCK II Nguyễn Hồng Siêm

Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội

Mô tả : Tập hợp các lá dự trữ (hành) quen gọi là củ gần hình cầu, đường kính 3 - 5 cm, chứa khoảng 8 - 20 hành con. Bao xung quanh củ gồm 2 - 5 lớp lá vẩy trắng mỏng, do các bẹ lá trước tạo thành, gắn vào một đế hình tròn dẹt (thân hành). Các hành con hình trứng, 3 - 4 mặt, đỉnh nhọn, đế cụt. Mỗi hành con được phủ những lớp lá vẩy trắng và một lớp biểu bì màu trắng hồng dễ tách khỏi phần rắn bên trong. Các hành con xếp thành lớp quanh một sợi dài, đường kính 1 - 3 mm mọc từ giữa đế. Phần rắn bên trong của các hành con chứa nhiều nước, mùi thơm, vị hăng và bền.

Bào chế: Loại bỏ vỏ già, rửa sạch, dùng tươi giã nát hay ngâm trong rượu.

Bảo quản: Nơi khô mát

Tính vị, quy kinh: Tân, ôn. Quy vào các kinh phế, tỳ, vị.

Công năng, chủ trị: Hành khí, ôn trung, tiêu tích trệ, sát trùng, giải độc. Chủ trị: Cảm cúm, ho gà, viêm phế quản, ăn uống tích trệ, thượng vị đau tức do đầy hơi, tiêu chảy mụn nhọt, áp xe viêm tấy, hói trán, trị giun kim.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 6 – 12 g, phối ngũ trong các bài thuốc hoặc giã nát dùng đắp ngoài, hoặc giã nát rồi ngâm rượu, hoặc thái lát để châm cứu.

Kiêng kỵ

Dùng lâu gây tổn thương can và mắt, phế vị có nhiệt, can, thận có hoả, khí hư, huyết nhiệt, cước khí (thấp tim), phong bệnh thì cấm dùng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Dưới đây là cách chế biến một số bài thuốc trị bệnh từ tỏi:

1. Cảm cúm:

- Dùng tỏi sống hoặc tỏi ngâm với dấm trong vòng 30 - 40 ngày để ăn hàng ngày.

- Ép lấy nước tỏi, pha loãng với nước sạch theo tỉ lệ 1:10. Cho thêm chút muối sạch. Dùng nước này để nhỏ vào mũi từ 2 -3lần/ngày.

- Lấy 6 củ tỏi, 12g gừng tươi, đường đỏ đủ dùng. Sắc uống nóng, ngày một thang.

- Tỏi 100g, đường đỏ 100g, giấm gạo200 ml. Tỏi bóc vỏ, ngâm với đường đỏ và giấm. Sau 10 ngày đem uống. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10 ml.

- Tỏi 2 củ, 10g lá rau sam, 20 g lá tre tươi, 30g lá củ cải. Tất cả rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, ngày nhỏ mũi 2 - 3 lần.

- Nếu cảm cúm, sổ mũi, chảy nước mũi gây khó chịu, thì lấy củ tỏi lột bỏ vỏ, giã nhỏ cho ít rượu hoặc nước chín vào, khuấy đều và ngâm một lát rồi lấy nước nhỏ vào họng hoặc mũi.

2. Đầy bụng, khó tiêu:

- Dùng nước ép tỏi, bỏ bã pha loãng với nước ấm để uống hàng ngày.

- Lấy 50g tỏi xay nhỏ, ngâm với 200ml rượu trắng trong vòng 15 ngày. Dùng rượu và bã tỏi để uống. Mỗi lần 1thìa cà phê, 2-3lần/ngày.

- Trị viêm dạ dày gây nôn ói: Lấy hai củ tỏi nương chín ăn với mật ong.

Trị chứng tiêu chảy: Lấy 100g tỏi sắc với 300 ml nước còn 100 ml chia uống làm ba lần trong ngày.

3. Ho, viêm họng :

- Tỏi bóc sạch, để cả nhánh khoảng 10g. Ngâm tỏi với dấm trong vòng 30 ngày. Dùng nhánh tỏi đã ngâm thái lát mỏng rồi ngậm từ 10 - 15phút. Dùng kiên trì có thể chữa được bệnh ho mãn tính.

Lưu ý: Không dùng tỏi sống để ngậm vì đễ gây bỏng họng. Chỗ viêm trong họng sẽ càng nghiêm trọng.

4. Thấp khớp, đau nhức xương :

- Tỏi không bóc vỏ, chẻ đôi nhánh ngâm với rượu theo tỉ lệ 100g tỏi với 200ml nước. Ngâm kỹ trong vòng 45 - 60 ngày hoặc có thể lâu hơn. Chắt lấy nước. Dùng nước này bôi nên chỗ đau rùi xoa bóp nhẹ nhàng. Nên dùng thường xuyên, nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Trị sai khớp, bong gân: Lấy một củ tỏi, 30g lá và hoa cây vòi voi, 10g muối ăn, giã nát tất cả ri đắp lên vết thương băng lại.

5. Tiểu đường :

Nên ăn ít nhất là 5g tỏi ngâm dấm mỗi ngày. Ăn liền trong vòng 1 tháng sẽ giúp làm giảm lượng đường trong máu một cách đáng kể.

6. Huyết áp cao :

- 10g tỏi ngâm dấm hoặc rượu dùng trong một ngày sẽ là phương thức giúp ổn định huyết áp hiệu quả. Lưu ý chỉ nên ăn tỏi ngâm, không nên dùng kết hợp với rượu đã ngâm qua tỏi.

- Tỏi 100g đã bóc sạch vỏ trộn với 100g đậu trắng, Ninh nhừ với 2 lít nước sạch trong vòng 2h. Dùng nước này để uống hàng ngày. Có thể ăn hạt đậu đã ninh nhừ. Nên sử dụng bài thuốc này ít nhất 2tuần/lần.

- Lấy 100g tỏi bóc sạch vỏ ngâm với 500 ml rượu 60 độ trong 15 ngày, ngày dùng 20 - 50 giọt chia uống làm ba lần. Không dùng nhiều gây hại.

7. Hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư gan :

- Dùng 50g tỏi và 100 quả quất tươi, ép lấy nước. Dùng nước này để uống trước mỗi bữa ăn. Mỗi lần 1 thìa cà phê.

- Đun sôi 100g lá chè xanh với 500ml nước sạch. Khi sôi, cho thêm 5g tỏi đập dập, đun sôi trong 5 giây. Uống nước khi còn nóng và dùng làm nước uống hàng ngày.

8. Trị viêm khí quản mạn tính: Lấy 10 củ tỏi bóc vỏ, giã nát ngâm với 100 g đường đỏ và 200 ml giấm, để ba ngày, lọc bỏ bã. Ngày uống ba lần, mỗi lần uống nửa thìa canh với nước đun sôi để nguội.

9. Trị chứng lên nhọt sưng nhức, lở tấy đau đớn: Lấy tỏi giã nát trộn với ít dầu vừng bôi lên sẽ đỡ.

10. Trị viêm ruột, kiết lỵ: Ăn mỗi bữa 1 - 2 tép tỏi để phòng bệnh này. Nếu đã mắc bệnh nên ăn ngày một củ tỏi, rất tốt.

11. Khi bị trúng lạnh thì dùng nước tỏi giã nhỏ ngâm với giấm ăn lâu ngày.

- Sản phụ sau sanh bị trúng phong thì dùng củ tỏi loại to (chừng 30 tép), nấu với 3 chén nước, nấu cạn còn lại 1 chén, rồi cho sản phụ uống từ từ.

- Bị đau răng, lấy củ tỏi, bỏ vỏ, đâm nhuyễn, rồi đắp lên chỗ đau.

* Không nên dùng tỏi trong những trường hợp sau:

- Không nên dùng chung với cá trắm; Người cường dương (cường dục); người dương hỏa cực thịnh, tính hay kích động; người đang bị đau mắt, bụng bán tích (hư, suy nhược), bệnh giun sán...

- Nếu dùng tỏi quá nhiều sẽ làm tổn đến can thận, tinh khí kém, mờ mắt.

Khó tiêu là căn bệnh khá phổ biến của lối sống hiện đại. Ngoài việc làm cho hệ tiêu hóa hoạt động mệt mỏi hơn bình thường, chứng khó tiêu còn khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu.